Sóc Trăng tăng cường công tác kiểm soát chất lượng tôm giống (Lượt xem: 13656)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 08/07/2021

Sóc Trăng là địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích thả nuôi duy trì trên 51.000 ha/năm. Bên cạnh đảm bảo tốt về môi trường nuôi, kỹ thuật chăm sóc, chất lượng giống được xem là yếu tố then chốt quyết định sự thành, bại của nghề nuôi tôm nước lợ. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú Y (CN&TY) tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng công tác quản lý chất lượng tôm giống thông qua việc kiểm soát vận chuyển hay tầm soát dịch bệnh, nhằm giúp bà con nuôi tôm tiếp cận được với nguồn tôm giống chất lượng, góp phần làm nên vụ nuôi thắng lợi.

Sóc Trăng tăng cường công tác kiểm soát chất lượng tôm giống
Cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. 

    Hằng năm, toàn tỉnh Sóc Trăng có nhu cầu vào khoảng 16 tỷ con giống tôm nước lợ để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cả tỉnh chỉ có 6 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản nên chỉ mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người nuôi tôm. Phần lớn nguồn tôm giống còn lại phải nhập về từ các tỉnh Miền Trung, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bạc Liêu. 

Chi cục CN&TY phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra các phương tiện vận chuyển tôm giống.

    Qua phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng, Chi cục CN&TY tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành, kiểm tra các phương tiện vận chuyển giống thủy sản nhập tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn tôm giống; đồng thời, phát hiện kịp thời và xử lý đối với hành vi vận chuyển giống thủy sản nhập tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

 

    Ông Nguyễn Mạnh Khương (ảnh), Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục CN&TY tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Các trường hợp vận chuyển tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch sẽ bị phạt từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng và buộc phải tiêu hủy toàn bộ lượng tôm giống theo quy định; vận chuyển vượt quá 10% số lượng trong giấy chứng nhận kiểm dịch bị phạt tiền từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng và tiến hành kiểm dịch lại theo quy định. Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp với Chi cục CN&TY các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu,... thực hiện quản lý giống và phòng, chống dịch bệnh thủy sản, 6 tháng đầu năm 2021 đã tiến hành kiểm soát được 5 tỷ con tôm giống nhập tỉnh.

     Để quản lý kiểm soát tốt chất lượng tôm giống, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra liên ngành vận chuyển giống thủy sản thì công tác tầm soát và cảnh báo dịch bệnh trên tôm giống của cơ quan chuyên môn đóng vai trò quan trọng. Từ năm 2016, Phòng Chẩn đoán xét nghiệm thuộc Chi cục CN&TY tỉnh Sóc Trăng đã được nâng cấp thành Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị (XN&ĐT) bệnh động vật đủ khả năng phục vụ công tác xét nghiệm bệnh thủy sản trên lĩnh vực sinh học phân tử bằng phương pháp PCR/ Real-time PCR, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm và công nhận đạt chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/ IEC 17025:2017. Hiện nay, Trạm Chẩn đoán XN&ĐT bệnh động vật đủ năng lực thực hiện 10 chỉ tiêu xét nghiệm bệnh trên tôm, bao gồm: bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh hoại tử cơ quan biểu mô và cơ quan tạo máu, bệnh còi tôm, bệnh Vi bào tử trùng, bệnh đầu vàng, hội chứng Taura, bệnh hoại tử cơ, bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn và bệnh teo gan tụy.

 

    Bà Trần Thị Thanh Thúy (ảnh), Phó Trạm Chẩn đoán XN&ĐT bệnh động vật, Chi cục CN&TY tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Hằng năm Chi cục CN&TY đều xây dựng Kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm và lấy mẫu xét nghiệm. Đối với giám sát dịch bệnh trên tôm giống, sau khi lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng sẽ được chuyển đến Trạm chẩn đoán XN&ĐT bệnh động vật để thực hiện giám sát sự lưu hành của virus cúm gây bệnh.

   Từ kết quả giám sát có được, Chi cục CN&TY tỉnh Sóc Trăng sẽ đưa ra các thông tin cảnh báo tình hình dịch bệnh đến bà con. Công tác thu mẫu được thực hiện thường xuyên, dịch bệnh trên tôm được tầm soát và cảnh báo kịp thời đã góp phần khống chế tối đa mức độ thiệt hại trên tôm nước lợ, hiệu quả nghề nuôi vì vậy được cải thiện rõ qua từng năm cả về sản lượng và chất lượng. 

 

Các khu vực sản xuất tôm giống được bố trí biệt lập.

    Tại Công ty TNHH Thủy sản Việt - Úc Sóc Trăng, thời gian qua, Công ty đã không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất tôm giống đảm bảo an toàn sinh học bên cạnh thực hiện tốt việc khử khuẩn, sát trùng hay trang bị đồ bảo hộ khi tham quan; từng khu vực phục vụ công tác sản xuất tôm giống cũng được xây dựng biệt lập như khu ương dưỡng, khu nuôi tảo, artemia cung cấp dinh dưỡng cho tôm. Đây cũng là cơ sở đầu tiên trong tỉnh Sóc Trăng được cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiền ương dưỡng, sản xuất giống tôm nước lợ với khả năng cung ứng hằng năm gần 1 tỷ con tôm ấu trùng.

     Ông Phạm Hồng Trung (bìa phải ảnh), Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủy sản Việt - Úc Sóc Trăng, cho biết: Tập đoàn tôm giống Việt - Úc đã cho ra đời tôm giống thẻ chân trắng thế hệ mới với mức tăng trưởng hơn 10% so với thế hệ trước, khả năng thích nghi và sức đề kháng tốt hơn, đầu con đạt hơn; ứng dụng chỉ tiêu đánh giá chất lượng con giống và sản xuất an toàn sinh học cho con giống trong trại sản xuất để nâng cao chất lượng con giống, cung ứng cho thị trường.  

     Trên cơ sở Kế hoạch về diện tích nuôi năm 2021, dự báo nhu cầu tôm giống trên toàn tỉnh là 20 tỷ con. Chi cục CN&TY tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống nhập tỉnh; duy trì, tăng cường quy chế phối hợp với các tỉnh trong việc dự báo Kế hoạch thả nuôi để có giải pháp kiểm soát tốt số lượng và chất lượng tôm giống, đáp ứng nhu cầu thả nuôi của các địa phương; khuyến khích người nuôi chọn mua giống tại các cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng và có giấy tờ kiểm dịch.

Quang cảnh Hội nghị về tôm giống nước lợ tại tỉnh Sóc Trăng. 

     Về lâu dài, Sóc Trăng sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tôm giống nước lợ, từng bước hình thành vùng sản xuất giống thủy sản tập trung theo quy hoạch; hình thành đội ngũ doanh nhân trong khâu sản xuất tôm giống, tạo nền tảng thúc đẩy doanh nghiệp và người nuôi ký kết sản xuất và tiêu thụ nguồn tôm giống chất lượng, an toàn dịch bệnh. Qua đó, xây dựng chuỗi liên kiết nuôi tôm bền vững ngay từ khâu đầu vào, tạo tiền đề cho sự thành công chung của cả vụ nuôi./.

Văn Đại - Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online